Tổng cục Thuế hướng dẫn ưu đãi đầu tư khi phân loại đô thị thay đổi

Ngày 14/4/2023, Tổng cục Thuế có công văn số 1316/TCT-CS hướng dẫn về chính sách thuế.

Theo đó, căn cứ quy định tại các Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế TNDN, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

“Trường hợp các dự án đầu tư mới trên địa bàn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Nghị quyết của Ủy ban thường Vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi địa giới hành chính hay phân loại đô thị có hiệu lực mà tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư đáp ứng điều kiện là dự án đầu tư mới tại địa bàn được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì nhà đầu tư tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.

Tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, thành phố Pleiku thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, các dự án đầu tư mới trên địa bàn thành phố Pleiku được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn tùy theo thực tế đáp ứng điều kiện của dự án đầu tư.

Tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư không có địa danh “thành phố Hồng Ngự” và “thành phố Gia Nghĩa”. Do đó, theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP , thành phố Hồng Ngự và thành phố Gia Nghĩa không đủ cơ sở để được xem là địa bàn ưu đãi đầu tư.”

Như vậy, trường hợp có thay đổi địa giới hành chính hay phân loại đô thị:

- Các dự án đầu tư mới trên địa bàn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày thay đổi có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.

- Trường hợp không có sự thay đổi tên gọi so với tên gọi đang được quy định tại danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư thì địa bàn đó vẫn được xác định là địa bàn ưu đãi đầu tư. Trường hợp có thay đổi mà tên gọi mới không được quy định tại danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư thì không còn được xem là địa bàn ưu đãi đầu tư.
  • Ví dụ 1: Ngày 22-1-2020, Thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại I nhưng tên “Thành phố Pleiku” không thay đổi thì TP này vẫn được xem là địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn (dù là đô thị loại I).
  • Ví dụ 2: Ngày 1-11-2020, Thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) được thành lập trên cơ sở Thị xã Hồng Ngự. Ngày 1-1-2020, Thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) được thành lập trên cơ sở Thị xã Gia Nghĩa. Tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư gồm “huyện Hồng Ngự” của tỉnh Đồng Tháp và “Toàn bộ các huyện và thị xã” của tỉnh Đắk Nông. Do đó, 02 địa bàn này khi có thay đổi về tên gọi (“thị xã” thành “thành phố”) thì không còn là địa bàn được ưu đãi đầu tư.

Đánh giá của chúng tôi: Đối với dự án đầu tư đã có, việc tiếp tục ưu đãi đầu tư khi phân loại đô thị thay đổi là phù hợp với Luật Đầu tư (khoản 2 Điều 13). Đối với dự án đầu tư mới sau ngày thay đổi, việc căn cứ vào câu chữ về tên gọi “huyện”/“thành phố”/… để xác định ưu đãi là khiên cưỡng, nhất là khi Nghị định quy định sai tên so với thực tế (đã có thành phố Hồng Ngự từ năm 2020 nhưng Nghị định 31/2021/NĐ-CP vẫn quy định là “huyện Hồng Ngự”). Thiết nghĩ, trong trường hợp này, Bộ KH-ĐT cần trình Chính phủ đính chính hoặc ban hành văn bản thay thế Nghị định 31/2021/NĐ-CP.{alertWarning}


Ảnh: freepik - xb100

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.