Lập hoá đơn hoàn trả hàng hoá theo Luật Quản lý thuế 2019

Luật Quản lý thuế được ban hành mới khiến một số cơ quan không còn hướng dẫn theo Công văn của Tổng cục Thuế trước đây.

1, Căn cứ pháp lý:


Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp […] xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

📮 Cập nhật

Ngày 29/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 2121/TCT-CS hướng dẫn:

"Trường hợp hàng hóa đã mua trước 01/01/2023 với thuế suất 8%, sau ngày 31/12/2022 người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng, thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập với thuế suất thuế GTGT 8%, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại."

Ngày 25/7/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 3116/TCT-CS hướng dẫn:

"Căn cứ quy định nêu trên, đối với trường hợp nêu tại công văn số 03/CTDON-TTHT ngày 03/01/2023 của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, nếu việc chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản trên đất giữa bên mua và bên bán (bên chuyển nhượng) do các bên tự nguyện thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì Công ty cổ phần phát triển nhà Bình Đa thực hiện xuất hoá đơn đối với trường hợp hoàn trả hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP."

Ngày 11/10/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4511/TCT-CS hướng dẫn:

"Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp người bán nhận lại hàng hóa trả lại một phần hoặc toàn bộ thì thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh giảm hoặc thay thế cho hóa đơn đã lập theo quy định tại khoản 1 Điều 4 và điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ."

Tại Công văn số 23076/CTBDU-TTHT ngày 27/9/2023, Cục thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn:

“Trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại.”

Tại Công văn số 13975/CTHDU-TTHT ngày 26/9/2023, Cục thuế tỉnh Hải Dương hướng dẫn:

“Trường hợp Chi nhánh Công ty đang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ, đã lập hóa đơn bán hàng cho người mua, nếu phát hiện hàng hóa bị lỗi, không đảm bảo chất lượng và người mua trả lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa đó. Bên bán và bên mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại, Chi nhánh Công ty lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế cho hóa đơn đã lập.
Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh giảm hoặc hóa đơn thay thế hóa đơn đã lập, Công ty Công ty L.Q JOTON thực hiện kê khai bổ sung giảm doanh thu và thuế GTGT đầu ra vào kỳ tính thuế phát sinh việc bán hàng (kỳ phát sinh hóa đơn gốc).”

Tại Công văn số 3538/CTLAN-TTHT ngày 19/9/2023, Cục thuế tỉnh Long An hướng dẫn:

“Trường hợp Công ty đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa thì Công ty lập hóa đơn hoàn trả một phần hoặc toàn bộ hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại.
Người bán và người mua căn cứ vào hóa đơn điện tử điều chỉnh, thay thế thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội và khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.”

Tại Công văn 18139/CTBDU-TTHT ngày 07/8/2023, Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn:

"Trường hợp Công ty mua hàng hoá, Bên bán đã lập hoá đơn và Công ty đã nhận hàng nhưng sau đó phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hoặc một phần hàng hoá thì bên bán lập hoá đơn hoàn trả để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hoá đơn đã lập, bên bán và Công ty có thoả thuận ghi rõ hàng bán trả lại kèm theo hoá đơn điều chỉnh hoặc hoá đơn thay thế."

📁 Trước đây

Trước Công văn 2121/TCT-CS có một số văn bản hướng dẫn của các cơ quan thuế như sau:

Tại Công văn số 4943/TCT-KK ngày 23/11/2015, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

“Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, bên bán và bên mua đã thực hiện kê khai thuế GTGT theo quy định. Sau đó, bên bán và bên mua phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại một phần hay toàn bộ hàng hóa, Điều chỉnh giá trị hàng hóa bán ra thì phải lập hóa đơn trả lại hàng hóa hoặc lập hóa đơn Điều chỉnh theo quy định. Căn cứ hóa đơn trả lại hàng hoặc hóa đơn Điều chỉnh, bên bán thực hiện kê khai Điều chỉnh doanh số bán và thuế GTGT đầu ra, bên mua Điều chỉnh doanh số mua và thuế GTGT đầu vào tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng hoặc phát sinh hóa đơn Điều chỉnh.

Tại Công văn số 8625/TB-CTTPHCM ngày 01/06/2022, Cục thuế TP.HCM hướng dẫn:

“- Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá thì:
+ Trường hợp Người mua là cơ sở kinh doanh có sử dụng hóa đơn, thì khi trả lại hàng hóa người mua lập hóa đơn giao cho người bán. Trên hóa đơn ghi số lượng hàng hóa trả lại, tiền thuế, thuế suất trả lại và thuế GTGT. Căn cứ hóa đơn trả lại hàng hóa, người mua và người bán thực hiện kê khai điều chỉnh giảm doanh thu thuế GTGT đầu ra, đầu vào.
+ Trường hợp người mua không phải là cơ sở kinh doanh, người bán hủy hóa đơn điện tử đã lập, người bán thông báo với cơ quan thuế việc hủy HĐĐT đã lập và thực hiện khai điều chỉnh giảm doanh thu thuế GTGT đầu ra tại thời điểm nhận lại hàng hóa.

Tại Công văn số 1860/CTBDI-TTHT ngày 06/7/2022, Cục thuế tỉnh Bình Định hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen
- Chi nhánh Bình Định đã xuất hóa đơn và gửi cho người mua, có phát sinh trường hợp người mua trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa thì:
1. Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh, có sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng/hóa đơn bán hàng thì:
- Về sử dụng hóa đơn: Khi trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa của hóa đơn mà người bán đã xuất bán, người mua xuất hóa đơn ghi trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa cho người bán.
- Về kê khai thuế GTGT: Đối với trường hợp người mua có sử dụng hóa đơn và xuất hóa đơn trả lại hàng hóa cho người bán thì người bán được kê khai khấu trừ thuế đầu vào khi nhận được hóa đơn.
2. Trường hợp người mua là cá nhân, không có sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng/hóa đơn bán hàng thì:
2.1. Về sử dụng hóa đơn:
- Khi nhận trả lại một phần hàng hóa của hóa đơn mà Chi nhánh đã xuất bán thì Chi nhánh xuất hóa đơn điều chỉnh giảm đúng với thực tế một phần hàng hóa đã nhận lại;
- Khi nhận trả lại toàn bộ hàng hóa của hóa đơn mà Chi nhánh đã xuất bán thì Chi nhánh thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập cho người mua đúng với thực tế.
2.2. Về kê khai thuế GTGT:
- Nếu chưa kê khai hóa đơn ban đầu:
+ Trường hợp trả lại một phần hàng hóa thì phải kê khai hóa đơn ban đầu và kê khai hóa đơn xuất điều chỉnh;
+ Trường hợp trả lại toàn bộ hàng hóa thì thực hiện hủy hóa đơn và không phải kê khai.
- Nếu đã kê khai hóa đơn ban đầu rồi, mới xuất lại hóa đơn thì: căn cứ vào hóa đơn xuất lại để thực hiện kê khai bổ sung vào kỳ đã kê khai ban đầu và điều chỉnh số thuế còn được khấu trừ của kỳ khai sai vào kỳ hiện tại (nếu có).”

Tại Công văn số 28218/CTHN-TTHT ngày 16/6/2022, Cục thuế TP. Hà Nội hướng dẫn:

“Trường hợp Công ty có lập hóa đơn trả lại hàng, hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế theo quy định tại Điều 4 và Điều 19 tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP nêu trên thì Công ty thực hiện kê khai thuế GTGT đối với các hóa đơn trên như sau:
- Đối với hóa đơn trả lại hàng: Công ty thực hiện kê khai tại kỳ phát sinh lập hóa đơn trả lại hàng.
- Đối với hóa đơn điều chỉnh, thay thế: Công ty thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh tại kỳ tính thuế có sai sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội và khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.”

Tại Công văn số 444/CTBNI-TTHT ngày 20/2/2023, Cục thuế Bắc Ninh hướng dẫn:

"Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty phát sinh trả lại hàng cho nhà cung cấp do hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì Công ty lập hóa đơn trả lại hàng cho người bán. Căn cứ hóa đơn xuất trả lại hàng, Công ty thực hiện kê khai điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trên tờ khai thuế GTGT của kỳ kê khai (tháng/quý) đã khấu trừ.
Trường hợp khai bổ sung làm giảm số thuế GTGT đã được hoàn thì Công ty nộp đủ số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước tính từ thời điểm Công ty được Kho bạc Nhà nước chi trả tiền hoàn hoặc ngày Kho bạc Nhà nước hạch toán bù trừ tiền hoàn thuế với khoản thu NSNN."

Tại Công văn 18928/CTBDU-TTHT ngày 12/12/2022, Cục thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp của Công ty TNHH In Bao Bì Giấy Vĩnh Phú đã xuất hóa đơn và gửi cho người mua, có phát sinh trường hợp người mua trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa thì khi trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa của hóa đơn mà người bán đã xuất bán, người mua xuất hóa đơn ghi trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa cho người bán.
Về kê khai thuế GTGT: Đối với trường hợp mua có sử dụng hóa đơn và xuất hóa đơn trả lại hàng hóa cho người bán thì người bán được kê khai khấu trừ thuế đầu vào khi nhận được hóa đơn.


2, Phân tích:

2.1, Về đối tượng lập hoá đơn hoàn trả hàng hoá

Các công văn ban hành trước Công văn 2121/TCT-CS nêu trên đều thống nhất việc người mua là cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn trả lại hàng hóa, trường hợp khác thì bên bán sẽ hủy hoặc lập hóa đơn điều chỉnh

Tuy nhiên, có thể thấy tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã quy định rõ người bán phải lập hoá đơn hoàn trả hàng hoá (không phân biệt người mua là ai).

Như vậy, dường như các cục thuế đang chỉ hướng dẫn theo thói quen từ Thông tư 39/2014/TT-BTC mà chưa xem xét kĩ "câu chữ" quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. 

Chúng tôi cho rằng, có thể mục đích của người soạn thảo chỉ là quy định các trường hợp lập hoá đơn chứ không phải đối tượng lập hoá đơn tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123. Tuy nhiên, việc viết gộp trường hợp hoàn trả hàng hoá vào khoản này (mà không tách riêng ra như Thông tư 39 cũ) sẽ dẫn tới phải áp dụng theo hướng thay đổi đối tượng lập hoá đơn từ người mua sang người bán.

2.2, Về cách thức kê khai thuế GTGT

Về kỳ kê khai hoá đơn trả lại hàng hoá, các cơ quan thuế cũng thống nhất nếu có hóa đơn trả lại hàng hóa thì kê khai vào kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng hóa (trừ Cục thuế tỉnh Bắc Ninh và Cục thuế tỉnh Long An). Chúng tôi cho rằng hoàn trả hàng hoá không phải là việc sửa chữa sai, sót của kỳ trước nên kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại là hợp lý. Tuy nhiên, do TCT hướng dẫn bên bán lập hoá đơn hoàn trả để "điều chỉnh giảm/thay thế" hoá đơn gốc, có khả năng cao việc kê khai cũng phải thực hiện tương ứng.

Về cách thức kê khai hóa đơn trả lại hàng hóa, Cục thuế Bình Định và Bình Dương đang hướng dẫn bên bán kê khai khấu trừ đầu vào. Trong khi đó, Tổng cục Thuế vào năm 2015 từng hướng dẫn bên bán kê khai giảm thuế GTGT đầu ra. Mặc dù Luật Quản lý thuế vừa được ban hành mới nhưng không có quy định thay đổi tác động đến vấn đề này, do đó, chúng tôi cho rằng nên kê khai theo hướng dẫn của TCT – tức bên bán kê khai giảm thuế GTGT. Điều này cũng phù hợp với bản chất của việc trả lại hàng hóa – không phải bên bán mua lại hàng hóa của bên mua.


3, Kết luận:


MyVietnamTax cho rằng việc lập hoá đơn hoàn trả không phân biệt người mua là cơ sở kinh doanh hay không và thực hiện thống nhất như sau:

👉 Đối với hoá đơn: Người bán lập hoá đơn hoàn trả hàng hoá (không phân biệt một phần hay toàn bộ)

👉 Đối với thuế GTGT: Người bán và người mua kê khai điều chỉnh thuế GTGT của kỳ tính thuế mua bán hàng hoá ban đầu căn cứ trên hoá đơn hoàn trả (dù vậy, vấn đề này sẽ cần thêm hướng dẫn của cơ quan thuế trong thời gian tới).


Lưu ý 1: Hiện tại, Nghị định 123/2022/NĐ-CP chưa quy định cụ thể việc lập hoá đơn hoàn trả hàng hoá. Tại Công văn 1647 nêu trên có hướng dẫn lập hoá đơn hoàn trả để "điều chỉnh giảm hoặc thay thế hoá đơn đã lập". Do đó, bạn đọc tham khảo cách lập hoá đơn điều chỉnh/thay thế được TCT hướng dẫn tại Công văn 1647 (xem tại đây). Tuy nhiên, nếu làm theo các cách này thì không phản ánh riêng được số lượng hàng hoá hoàn trả. Chúng tôi cho rằng đây là một điểm chưa hợp lý mà TCT cần hướng dẫn thêm.

Lưu ý 2: Như đã nêu trên, Cục Thuế tỉnh Bình Định và Cục Thuế TP.HCM có hướng dẫn lập hoá đơn khác nhau cho 2 trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh/không là cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, khi chuyển sang người bán lập hoá đơn hoàn trả, chúng tôi cho rằng không cần phân biệt 2 trường hợp này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các hướng dẫn mới nhất của các cơ quan thuế và cập nhật tới bạn đọc về vấn đề này. Vui lòng theo dõi MyVietnamTax trên Facebook để nhận được thông tin nhanh nhất.

Lưu ý 3: Nội dung nêu trên chỉ áp dụng với hoàn trả hàng hoá. Đối với "hoàn trả" dịch vụ, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC, trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập. Bạn đọc có thể tham khảo Công văn 3975/TCT-CS năm 2022 của Tổng cục Thuế hướng dẫn về một tình huống thực tế.

Bạn đọc còn cảm thấy còn nội dung gì vướng mắc về xử lý hoá đơn điện tử sai sót, vui lòng trao đổi với chúng tôi bên dưới.


Ảnh: Freepik

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.