Dưới 200.000 đồng có phải sử dụng hoá đơn điện tử để ghi nhận chi phí?

Câu hỏi: Các phòng/ban đưa cho kế toán hoá đơn bán lẻ (giấy) của các cửa hàng tạp hoá, tiệm rửa xe,... thì có thể sử dụng để ghi nhận chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không? Trước đây, tại Thông tư 39/2014/TT-BTC có quy định dưới 200.000 đồng thì bên bán không phải lập hoá đơn nhưng hiện tại tôi không tìm thấy quy định này tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP hay Thông tư 78/2021/TT-BTC.

Trả lời:

Trước đây, tại Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định bán hàng hoá, dịch vụ dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hoá đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hoá đơn. Như vậy, người mua là NNT theo phương pháp khấu trừ vẫn có quyền và vẫn phải yêu cầu bên bán lập hoá đơn để làm cơ sở ghi nhận chi phí khi HHDV có giá trị dưới 200.000 đồng (theo quy định của Luật thuế TNDN và thuế GTGT).

Từ ngày 01/07/2022, theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, mọi trường hợp bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (không phân biệt giá trị) đều phải lập hoá đơn; không còn quy định không phải lập hoá đơn 200.000 đồng. Do đó, trường hợp mua HHDV của bên bán là doanh nghiệp thì phải yêu cầu bên bán lập hoá đơn để ghi nhận chi phí, dù giá trị nhỏ hay lớn hơn 200.000 đồng.

Đối với trường hợp mua HHDV của hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ thì áp dụng các quy định sau:
- Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
“a) Loại hóa đơn cấp theo từng lần phát sinh
a.1) Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng trong các trường hợp:
- Hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng*; [...]”
(*tức là các hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp từng lần phát sinh và khoán theo Thông tư 40/2021/TT-BTC)

Theo đó, chứng từ để ghi nhận chi phí đối với HHDV có giá trị nhỏ như sau:

- Sử dụng hoá đơn điện tử do cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh đối với mua HHDV của hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp từng lần phát sinh và phương pháp khoán.

- Sử dụng bảng kê 01/TNDN theo điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi TT 96/2015/TT-BTC) đối với các khoản chi được phép lập bảng kê sau đây:
  • Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
  • Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
  • Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
  • Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
  • Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
  • Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Trường hợp không có đầy đủ các chứng từ trên (ví dụ chỉ có hoá đơn giấy bán lẻ của các cửa hàng,…) thì các chi phí liên quan không được ghi nhận chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.{alertWarning}

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.