Có được sử dụng hoá đơn lập sai thời điểm cho mục đích thuế?

Câu hỏi: 

Đơn vị tôi nhận được một số hóa đơn điện tử của dịch vụ taxi, rửa xe, ăn uống,... có ngày lập hóa đơn không phải là ngày mua sắm hàng hóa dịch vụ. Ví dụ, ngày nhân viên đi công tác và sử dụng xe taxi là ngày 23.11 nhưng hóa đơn lại xuất ngày 29.11.2023 và tên hàng hóa dịch vụ ghi "Cước taxi di chuyển sân bay X ngày 23/11/2023". Có thể nói đây là hoá đơn lập sai thời điểm. Vậy đơn vị tôi có được sử dụng hoá đơn này để ghi nhận chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và kê khai thuế GTGT đầu vào không?

Trả lời: 

Tại Công văn 2731/TCT-CS năm 2016 về ghi nhận chi phí đối với hóa đơn lập không đúng thời điểm, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

“Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty TNHH KMW Việt Nam mua nguyên vật liệu chính của nhà cung cấp trong tháng 1/2016 để phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng nhà cung cấp không lập hóa đơn khi giao nguyên vật liệu trong tháng 01/2016 mà tập hóa đơn vào tháng 02/2016. Công ty có các hồ sơ, tài liệu: báo giá, hợp đồng kinh tế và biên bản bàn giao trong tháng 1/2016 thì đề nghị Cục Thuế tỉnh Hà Nam kiểm tra thực tế việc mua bán hàng hóa của Công ty để có cơ sở hướng dẫn Công ty tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số hóa đơn nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định và phối hợp với cơ quan thuế quản lý nhà cung cấp để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm.”

Tại Công văn 2866/CT-TTHT năm 2019 về tính vào chi phí được trừ với hóa đơn xuất sai thời điểm, Cục Thuế thành phố Hà Nội hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên:
- Trường hợp Công ty mua hàng hóa, dịch vụ mà bên bán lập hóa đơn không đúng thời điểm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, nếu việc mua hàng hóa, dịch vụ để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; đúng thực tế; có đầy đủ hóa đơn, chứng từ; Công ty có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá từ 20 triệu đồng trở lên) thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số hóa đơn nêu trên. Trường hợp qua xác minh nếu cơ quan thuế phát hiện Công ty không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì Công ty không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số hóa đơn này.
- Đối với bên bán hàng hóa, dịch vụ: Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, bị xử phạt vi phạm lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BTC”.

Như vậy:
👉 Bên bán: Bị xử phạt về hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm (hiện được quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
👉 Bên mua: Hóa đơn lập sai thời điểm có thể được sử dụng để chi phí khi tính thuế TNDN và kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, với điều kiện là: HHDV mua vào để  phục vụ sản xuất, kinh doanh; việc mua bán là đúng thực tế; có hóa đơn, chứng từ thanh toán đầy đủ.

Tuy nhiên, bên mua vẫn nên yêu cầu bên bán lập hoá đơn đúng thời điểm. Lí do là: Tại Điều 14 Luật Thuế GTGT hiện hành yêu cầu hoá đơn GTGT phải được "ghi đầy đủ, đúng nội dung quy định", từ đó cho phép cơ quan thuế có căn cứ để không cho phép kê khai hoá đơn GTGT có thời điểm lập sai quy định.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.