Xử lý thuế đối với tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại hợp đồng kinh tế

Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại có phải là một không? Bên thu tiền phạt/bồi thường có phải xuất hoá đơn không? Có phải mọi trường hợp đều phải tính thuế TNDN đối với tiền phạt/bồi thường thu được không? Kê khai thuế nhà thầu đối với tiền phạt/bồi thường ra sao? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp các vấn đề đó.

1, Phân biệt phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại hợp đồng

Phạt vi phạm hợp đồng và Buộc bồi thường thiệt hại là 2 chế tài khác nhau trong pháp luật thương mại. Tuy nhiên, kế toán và nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa 2 chế tài này.

Các điểm khác nhau cơ bản giữa 2 chế tài như sau:


2, Về các quy định tiền phạt vi phạm

Nếu hợp đồng của doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 thì trường hợp muốn áp dụng cả chế tài phạt và bồi thường thiệt hại thì phải thỏa thuận cụ thể về chế tài phạt (theo khoản 2 Điều 307). Trong trường hợp không có thỏa thuận phạt thì việc chi tiền phạt sẽ không phù hợp và có thể bị loại trừ khi tính thuế TNDN.

Cũng theo Luật Thương mại 2005, mức phạt không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (theo Điều 301). Trường hợp các bên thỏa thuận cao hơn mức 8% thì có thể bị vô hiệu (do vi phạm Luật), dẫn đến hậu quả là các bên không phát sinh các quyền, nghĩa vụ liên quan - tức là không có quyền nhận và nghĩa vụ trả tiền phạt. Do đó, phần phạt vượt quá mức 8% sẽ bị xem là không thực tế phát sinh nên không được tính vào chi phí được trừ.

3, Về thuế TNDN

3.1, Đối với bên chi tiền

Tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC) quy định về các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:

“2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.”

👉 Như vậy, điểm này trong Thông tư 78 không quy định tiền phạt vi phạm hợp đồng thuộc các khoản chi không được trừ.

Tại Công văn 3529/TCT-CS ngày 22/8/2014, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có phát sinh các khoản chi về tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế với khách hàng thì khi chi tiền Công ty lập chứng từ chi tiền. Căn cứ vào hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh toán trên, Công ty thực hiện xác định tính vào chi phí theo quy định của thuế TNDN.

🚨 Lưu ý: Trường hợp bên thu tiền phạt là bên bán, cần phải lưu ý không được tính giảm trừ doanh thu đối với tiền phạt (theo đó, cũng không được điều chỉnh hóa đơn). Điều này thực hiện theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC, cụ thể là Điều 81 về TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu và Điều 94 về TK 811 – Chi phí khác

Liên quan đến vấn đề này, tại Công văn 75439/CT-TTHT ngày 13/11/2018, Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định nêu trên, Công ty chỉ được thực hiện giảm trừ doanh thu trong các trường hợp: chiết khấu thương mại; giảm giá hàng bán và hàng bán bị trả lại. Trường hợp Công ty (bên nhận gia công) có làm hỏng một phần nguyên vật liệu của bên thuê gia công dẫn đến nghĩa vụ phải bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng gia công thì khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định tại hợp đồng Công ty phải lập chứng từ chi tiền cho bên thuê gia công, đồng thời bên thuê gia công lập chứng từ thu theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC. Đối với khoản thu tiền bồi thường vi phạm hợp đồng, bên thuê gia công không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT và có trách nhiệm ghi nhận vào thu nhập chịu thuế TNDN theo hướng dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư 219/2013/TT-BTC và Khoản 13, Điều 7, Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
Trường hợp Công ty đã lập và giao hóa đơn đã giảm trừ tiền phạt vi phạm hợp đồng vào doanh thu gia công là không đúng quy định và nếu hai bên đã kê khai thuế GTGT thì hai bên phải làm thủ tục điều chỉnh lại các hóa đơn đã giảm trừ doanh thu. Hai bên lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời Công ty lập hóa đơn điều chỉnh tăng doanh thu gia công phản ánh đúng doanh thu gia công theo hợp đồng và tăng thuế GTGT tương ứng theo quy định tại Khoản 3, Điều 20, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính.”

Như vậy, các khoản tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.{alertInfo}

3.2, Đối với bên thu tiền

Tại khoản 1 Điều 93 về TK 711 – Thu nhập khác quy định:

“b) Khi có khả năng chắc chắn thu được các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, kế toán phải xét bản chất của khoản tiền phạt để kế toán phù hợp với từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc:
- Đối với bên bán: Tất cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng thu được từ bên mua nằm ngoài giá trị hợp đồng được ghi nhận là thu nhập khác.
- Đối với bên mua:
+ Các khoản tiền phạt về bản chất là khoản giảm giá hàng mua, làm giảm khoản thanh toán cho người bán được hạch toán giảm giá trị tài sản hoặc khoản thanh toán (không hạch toán vào thu nhập khác) trừ khi tài sản có liên quan đã được thanh lý, nhượng bán.
Ví dụ khi nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư được phạt nhà thầu theo đó được quyền thu hồi lại một phần số tiền đã thanh toán cho nhà thầu thì số tiền thu hồi lại được ghi giảm giá trị tài sản xây dựng. Tuy nhiên nếu khoản tiền phạt thu được sau khi tài sản đã được thanh lý, nhượng bán thì khoản tiền phạt được ghi vào thu nhập khác.
+ Các khoản tiền phạt khác được ghi nhận là thu nhập khác trong kỳ phát sinh, ví dụ: Người mua được quyền từ chối nhận hàng và được phạt người bán nếu giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng thì khoản tiền phạt phải thu được ghi nhận là thu nhập khác khi chắc chắn thu được. Trường hợp người mua vẫn nhận hàng và số tiền phạt được giảm trừ vào số tiền phải thanh toán thì giá trị hàng mua được ghi nhận theo số thực phải thanh toán, kế toán không ghi nhận khoản tiền phạt vào thu nhập khác.”

👉 Theo quy định trên, không phải mọi khoản thu tiền phạt hợp đồng đều phải ghi nhận thu nhập khác. Bên thu tiền phạt phải xác định bản chất của khoản tiền phạt để hạch toán theo 1 trong 2 cách: 1) Giảm giá trị tài sản được mua/khoản thanh toán, 2) Ghi nhận thu nhập khác.

👉 Lưu ý: Quy định trên chỉ áp dụng với tiền phạt, không áp dụng với tiền bồi thường.

Trên cơ sở đó, TCT có Công văn 3525/TCT-CS ngày 26/8/2020 hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định nêu trên về nguyên tắc trường hợp doanh nghiệp nhận được các khoản tiền phạt, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng, cần phải xét bản chất của các khoản tiền phạt, tiền bồi thường để có chính sách áp dụng phù hợp với từng trường hợp, cụ thể:
- Trường hợp Công ty Núi Pháo nhận được các khoản hoàn trả từ Jacobs, bao gồm khoản chi phí xây dựng phát sinh thêm, thuê nhà thầu phụ để khắc phục hậu quả do Jacobs làm sai và khoản thanh toán phần dịch vụ cao vượt mức giá trị mà Jacobs đã làm cho Công ty Núi Pháo: Nếu Công ty Núi Pháo đã tập hợp và hạch toán vào giá trị TSCĐ hình thành trong giai đoạn đầu tư và số tiền thu hồi lại được Công ty Núi Pháo đã ghi giảm giá trị tài sản công trình xây dựng thì không xác định là thu nhập khác theo quy định.
…- Đối với khoản bồi thường thiệt hại mang tính chất bù đắp tổn thất kinh tế do Jacobs vi phạm hợp đồng, chậm bàn giao theo tiến độ được xác định là khoản thu nhập không thuộc ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và không thuộc thu nhập phát sinh trên địa bàn ưu đãi đầu tư nên được xác định là khoản thu nhập khác của doanh nghiệp và không được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo quy định.”

TỔNG KẾT:



4, Về thuế GTGT và hóa đơn

Tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:

“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.”

Tại Công văn 3529/TCT-CS ngày 22/8/2014, Tổng cục Thuế hướng dẫn:

“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có phát sinh các khoản chi về tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế với khách hàng thì khi chi tiền Công ty lập chứng từ chi tiền. Căn cứ vào hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh toán trên, Công ty thực hiện xác định tính vào chi phí theo quy định của thuế TNDN.”

Tại Công văn 13381/CTHN-TTHT ngày 06/4/2022, Cục Thuế TP.Hà Nội hướng dẫn:

Khoản bồi thường thiệt hại bằng tiền do bị hủy hợp đồng thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, khi nhận tiền về bồi thường thì Công ty không phải lập hóa đơn mà lập chứng từ thu theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC và phải kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định.”

👉 Tại Thông tư 219 có hướng dẫn cụ thể về bồi thường bằng tiền và bằng hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hướng dẫn về phạt vi phạm. Tuy nhiên, tại Công văn 3529, cơ quan thuế vẫn căn cứ vào khoản 1 Điều 5 Thông tư 219 để xác định các khoản tiền phạt bằng tiền do vi phạm hợp đồng kinh tế thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT (chúng tôi suy đoán rằng TCT xem đây là “khoản thu tài chính khác”) và hướng dẫn các bên lập chứng từ thu/chi tiền (không phải lập hóa đơn).

TỔNG KẾT:


5, Về thuế nhà thầu

Tại Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định:

“Điều 7. Thu nhập chịu thuế TNDN
… Thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như sau:
- Tiền phạt, tiền bồi thường thu được từ bên đối tác vi phạm hợp đồng.
… Điều 13. Thuế thu nhập doanh nghiệp
3. Thuế TNDN đối với khoản tiền bồi thường thu được từ bên đối tác vi phạm hợp đồng đối với trường hợp khoản thu bồi thường lớn hơn giá trị thiệt hại, có thu nhập chịu thuế:
Đối với khoản thu nhập từ tiền bồi thường thiệt hại thu được, nhà thầu nước ngoài được lựa chọn khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế hoặc trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí với thuế suất là thuế suất phổ thông.”

👉 Trường hợp nhà thầu nước ngoài nhận được tiền bồi thường vi phạm hợp đồng lớn hơn giá trị thiệt hại thì chịu thuế nhà thầu như sau:
📌 Thuế GTGT: không phải kê khai nộp thuế GTGT;
📌 Thuế TNDN: lựa chọn khai nộp thuế TNDN theo 1 trong 2 cách:
+ Cách 1: Doanh thu tính thuế x tỷ lệ thuế TNDN là 2%
+ Cách 2: Kê khai doanh thu, chi phí với thuế suất là thuế suất phổ thông: (Doanh thu – Chi phí) x 20%.


Một số Công văn hướng dẫn của các cục thuế về vấn đề này như sau:

+ Công văn 6600/CT-TTHT ngày 06/7/2018 của Cục Thuế TP.HCM:

“Trường hợp Công ty theo trình bày là tổ chức nước ngoài (quốc tịch Đài Loan) ký hợp đồng mua hàng với doanh nghiệp tại Việt Nam (Công ty TNHH Thuận Phúc Đạt - viết tắt TPĐ) để xuất khẩu. Theo trình bày, trong quá trình thực hiện TPĐ không hoàn thành hợp đồng và phải bồi thường một khoản tiền cho Công ty theo phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (TPĐ đã chi trả tiền bồi thường cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị đại diện ủy quyền Công ty đến nhận tiền bồi thường do không có tài khoản ngoại tệ tại Kho bạc nhà nước) thì nghĩa vụ thuế được xác định như sau:
- Thuế GTGT: Tiền bồi thường không phải kê khai nộp thuế GTGT;
- Thuế TNDN= Doanh thu tính thuế TNDN x 2%.
Trường hợp Công ty ủy quyền cho Công ty TNHH Quốc tế Vận Đỏ (viết tắt Công ty Bonaza VN) được quyền thay mặt Công ty nhận số tiền bồi thường từ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai và sử dụng số tiền này để chuyển lại cho Công ty hoặc thanh toán hộ cho các bên thứ ba theo chỉ đạo của Công ty và TPĐ chưa thực hiện khấu trừ thuế nhà thầu theo quy định nêu trên thì Công ty Bonaza VN có nghĩa vụ khai, nộp thuế nhà thầu đối với tiền bồi thường thay cho Công ty theo quy định.”

+ Công văn 17152/CTHN-TTHT ngày 20/5/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội:

“2. Trường hợp Nhà thầu nước ngoài thu được khoản tiền bồi thường từ bên Việt Nam vi phạm hợp đồng thì thu nhập của nhà cung cấp nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC. Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế, tỷ lệ thuế TNDN là 2% hoặc trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí với thuế suất là thuế suất phổ thông.”


💬  Nếu có bất cứ thắc mắc nào, các bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết này hoặc liên hệ với chúng tôi theo hướng dẫn tại đây để được hỗ trợ.



Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.