Trong thực tiễn giao dịch dân sự và thương mại, tình trạng chậm thanh toán có thể phát sinh, kéo theo các nghĩa vụ tài chính bổ sung như tiền lãi do chậm trả. Tuy nhiên, khoản tiền này chưa được quy định rõ ràng là tiền phạt hay tiền bồi thường, kéo theo các vướng mắc về thuế GTGT.
1, Quy định của pháp luật dân sự và thương mại
Luật Thương mại 2005 quy định về phạt vi phạm hợp đồng tại Điều 300 và quy định về bồi thường thiệt hại tại Điều 302.
Đồng thời, Luật Thương mại 2005 quy định Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán tại Điều 306:
“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Điều 306 không nêu rõ tiền lãi do chậm thanh toán là khoản tiền phạt hay khoản tiền bồi thường. Tuy nhiên, việc trả lãi là chính là bù đắp lại thiệt hại do chiếm dụng vốn khiến bên kia mất cơ hội đầu tư vốn (ví dụ gửi tiền ngân hàng). Như vậy, nó phù hợp với định nghĩa của bồi thường thiệt hại, trừ việc bên bị vi phạm không cần phải chứng minh tổn thất.
2, Quy định của pháp luật thuế
2.1, Quy định tại văn bản pháp luật
Tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Luật Thuế GTGT 2008 quy định:
“đ) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế giá trị gia tăng của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm;”
(Tại Luật Thuế GTGT 2024 cũng quy định tương tự)
Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định:
“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.…Ví dụ 13: Doanh nghiệp X bán hàng cho doanh nghiệp Z, tổng giá thanh toán là 440 triệu đồng. Theo hợp đồng, doanh nghiệp Z thanh toán trả chậm trong vòng 3 tháng, lãi suất trả chậm là 1%/tháng/tổng giá thanh toán của hợp đồng. Sau 3 tháng, doanh nghiệp X nhận được từ doanh nghiệp Z tổng giá trị thanh toán của hợp đồng là 440 triệu đồng và số tiền lãi chậm trả là 13,2 triệu đồng (440 triệu đồng x 1% x 3 tháng) thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền 13,2 triệu đồng này.”
Khoản 7 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định:
“7. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm.Ví dụ 31: Công ty kinh doanh xe máy bán xe X loại 100 cc, giá bán trả góp chưa có thuế GTGT là 25,5 triệu đồng/chiếc (trong đó giá bán xe là 25 triệu đồng, lãi trả góp là 0,5 triệu đồng) thì giá tính thuế GTGT là 25 triệu đồng.”
Như vậy, pháp luật thuế đã có quy định lãi trả chậm theo thỏa thuận giữa 2 bên không tính vào giá tính thuế, không phải kê khai nộp thuế GTGT. Chưa có hướng dẫn rõ ràng về khoản lãi do trả chậm mà không có sự đồng ý trước của bên nhận tiền.
2.2, Công văn hướng dẫn của cơ quan thuế
Tại Công văn 3767/TCT-KK ngày 05/09/2014, Tổng cục Thuế (nay là Cục Thuế) hướng dẫn:
“Đối với khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền lãi vay vì chậm thanh toán không phải hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nên không phải lập hóa đơn GTGT và 02 Công ty được xác định doanh thu, chi phí tính thuế TNDN theo quy định.”
Tại Công văn 1038/CTHAG-TTHT ngày 04/07/2023, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang hướng dẫn:
“Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty phát sinh khoản chi trả tiền lãi do chậm thanh toán thì Công ty căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền. Công ty TNHH Xi măng Khánh Hòa lập chứng từ thu theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, khoản chi trả tiền lãi do chậm thanh toán, Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định.”
Tại Công văn 176/CTVLO-TTHT ngày 16/02/2024, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long hướng dẫn:
“Căn cứ quy định nêu trên và theo nội dung trình bày của Công ty tại công văn số 0102/TH.2024 và các hồ sơ kèm theo. Trường hợp Công ty có phát sinh khoản chi tiền phạt chậm thanh toán (tiền lãi tính trên số tiền chậm trả) vào tháng 12/2023 thể hiện tại hóa đơn GTGT gửi kèm theo công văn số 0102/TH.2024 và được ghi cụ thể tại khoản 3.3 Điều 3 Hợp đồng mua bán xăng dầu, thì đây không phải là khoản tiền phạt vi phạm hành chính, khoản chi này nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2023.”
3, Kết luận và khuyến nghị
Như đã nêu tại mục 1, tiền lãi do chậm thanh toán có bản chất là bồi thường thiệt hại. Các cơ quan thuế cũng dẫn quy định về khoản thu không phải kê khai, nộp thuế để hướng dẫn khoản tiền này không phải lập hóa đơn.
Theo đó, chúng tôi cho rằng kể cả không phải trong trường hợp bán hàng trả chậm, khi một bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán và phải trả lãi chậm thanh toán, khoản tiền lãi này không phải kê khai, tính nộp thuế.
Tags:
[VAT]
Cục Thuế Vĩnh Long
GTGT
lãi chậm thanh toán
Luật Thuế GTGT
Luật Thương mại
Thông tư 219
thuế chuyên sâu