Doanh nghiệp "thắng" trong tranh cãi về thanh toán: Bài học về nắm chắc luật!

Phán quyết mới đây của Tòa án nhân dân cấp cao không chỉ giải quyết đúng đắn tranh chấp cụ thể mà còn là lời nhắc quan trọng về tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Người nộp thuế và cơ quan thuế đều có thể rút ra những lưu ý quan trọng liên quan đến phán quyết này.

1. Tóm tắt vụ việc

Công ty P1, một đại lý bán lẻ xăng dầu, thường xuyên thu tiền mặt từ khách hàng. Để xử lý dòng tiền, P1 ký hợp đồng ba bên với ngân hàng và nhà cung cấp xăng dầu, theo đó ngân hàng đến đại lý thu tiền mặt và nộp thẳng vào tài khoản nhà cung cấp.

Vấn đề pháp lý phát sinh khi cơ quan thuế cho rằng khoản thanh toán này không được xem là “thanh toán không dùng tiền mặt” (TTKDTM) theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC (nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán), do đó không đủ điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào. Kết luận này khiến P1 bị truy thu tới 22,8 tỷ đồng tiền thuế. Tại toà, cơ quan này cho rằng hình thức thanh toán nào đủ điều kiện để khấu trừ thuế GTGT phải căn cứ vào pháp luật thuế GTGT, không phải mọi chứng từ sử dụng dịch vụ ngân hàng đều đáp ứng điều kiện khấu trừ.

Tuy nhiên, P1 phản đối và lập luận rằng hành vi thu tiền mặt và nộp trực tiếp vào tài khoản bên bán là một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hợp pháp, căn cứ theo các quy định trong Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Thông tư 46/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM cuối cùng đã đứng về phía doanh nghiệp, xác định rằng: dịch vụ thu hộ của ngân hàng là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, và phán quyết cơ quan thuế phải hủy quyết định truy thu.

(Xem toàn văn Bản án 1193/2024/HC-PT được công bố tại đây)

2. Tóm tắt bản án (áp dụng mô hình IRAC)

2.1, I – Issue (Vấn đề pháp lý):

Việc ngân hàng thu tiền mặt từ đại lý bán lẻ xăng dầu (Công ty P1) và nộp trực tiếp vào tài khoản nhà cung cấp xăng dầu có được xem là “thanh toán không dùng tiền mặt” theo quy định pháp luật về thuế hay không?

2.2, R – Rule (Quy định pháp luật áp dụng):

Khoản 2 Điều 9 Nghị định 209/2013/NĐ-CP (Nghị định 209) quy định:

2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:
b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.

Khoản 2 và 3 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (Thông tư 219) quy định:

Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàngchứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).
a) Các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán hoặc chứng từ thanh toán theo các hình thức không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành không đủ điều kiện để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ hai mươi triệu đồng trở lên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (Nghị định 101) của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với khoản 5 và khoản 6 Điều 3 của Thông tư số 46/2014/TT-NHNN (Thông tư 46) của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, quy định như sau:

"Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là dịch vụ thanh toán) bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng."

2.3, A – Application (Phân tích và áp dụng quy định):

Toà xác định:Việc thanh toán của P1 phù hợp với Nghị định 209, Nghị định 101, Thông tư 46. Tuy nhiên, việc thanh toán này chưa đủ điều kiện khấu trừ theo Thông tư 219.

Toà đưa ra các lập luận chính:
  • Về hiệu lực pháp lý: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 209 và Nghị định 101 phải được ưu tiên thi hành.
  • Về thẩm quyền chuyên ngành: Việc quản lý TTKDTM thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, việc giải thích giao dịch nào là TTKDTM thuộc thẩm quyền của NHNN.

2.4, C – Conclusion (Kết luận):

Tòa tuyên Công ty P1 thắng kiện. Hình thức thanh toán qua dịch vụ thu hộ ngân hàng được công nhận là thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, Công ty P1 đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không bị truy thu 22,8 tỷ đồng.



3. Phân tích lập luận của Tòa

Nghị định 209 quy định điều kiện là “có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt” mà không quy định cụ thể, cũng không giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết. Trong khi đó, Nghị định 101 lại có quy định cụ thể về chứng từ TTKDTM.

Thực tế, nội hàm của khái niệm “chứng từ TTKDTM” trong Nghị định 209 rộng hơn Nghị định 101; bao gồm cả hình thức bù trừ công nợ. Đáng lẽ như vậy, Nghị định 209 nên dùng một khái niệm khác để phân biệt với khái niệm trong pháp luật ngân hàng. Đồng thời, khi đó cần đưa ra định nghĩa để làm rõ nội hàm.

Tuy nhiên, do không có một định nghĩa như vậy, cùng một vấn đề (phạm vi chứng từ TTKDTM) đang có quy định khác nhau giữa Thông tư 219 và Nghị định 101. Toà đã chọn lựa áp dụng khái niệm tại một văn bản có hiệu lực pháp lý tương đương là Nghị định 101. Chúng tội nhận thấy quan điểm này phù hợp.

4. Lưu ý cho người nộp thuế:

  • Hình thức thu hộ được xem là nộp tiền mặt vào tài khoản nhưng vẫn thuộc TTKDTM theo Nghị định 101. Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động nộp tiền mặt đều thuộc TTKDTM. Hình thức thu hộ cần có thỏa thuận văn bản ít nhất là giữa người thụ hưởng và ngân hàng. DN cần yêu cầu người thụ hưởng cung cấp và lưu giữ thỏa thuận này.
  • Không phải mọi quy định về thuế đều có hiệu lực áp dụng. Khi văn bản cấp dưới trái với văn bản cấp trên (ví dụ: thông tư trái với nghị định, nghị định trái với luật) thì văn bản cấp dưới không có hiệu lực. Doanh nghiệp cần nắm chắc hệ thống pháp luật liên quan, không chỉ các quy định về thuế mà cả các quy định chuyên ngành khác (như ngân hàng, tài chính).
  • Khi bị xử lý thuế, doanh nghiệp được quyền khiếu nại và khởi kiện, và hoàn toàn có cơ hội thắng nếu có lập luận hợp lý và căn cứ pháp lý đầy đủ.

5. Lưu ý với cơ quan thuế:

  • Nên quy định thống nhất khái niệm TTKDTM với pháp luật về ngân hàng. Các trường hợp đặc biệt cần nêu rõ luôn tại Nghị định. Thông tư không được giới hạn phạm vi hẹp hơn Nghị định.
  • Cần tôn trọng thẩm quyền chuyên ngành của các cơ quan khác, thay vì tự diễn giải theo hướng có lợi cho mục tiêu thu ngân sách.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Bài viết chỉ chứa đựng thông tin chung và nhằm mục đích tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn cho trường hợp cụ thể của người đọc. Vui lòng cân nhắc kĩ càng trước khi sử dụng để đưa ra các quyết định.